Trang chủ / Tham luận / THAM LUẬN MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIÚP HỌC SINH THPT KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG HỌC YẾU MÔN NGỮ VĂN

Ngày đăng tin: 29-10-2020

THAM LUẬN MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIÚP HỌC SINH THPT KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG HỌC YẾU MÔN NGỮ VĂN

THAM LUẬN MỘT SỐ GIẢI PHÁP GIÚP HỌC SINH THPT KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG HỌC YẾU MÔN NGỮ VĂN

I. Thực trạng:

1. Thực trạng chung:

     Trong những năm gần đây, việc dạy và học môn văn đã trở thành vấn đề đáng suy nghĩ cho cả người học, người dạy và cả người quản lí giáo dục. Đồng thời là nỗi băn khoăn cho các bậc phụ huynh và toàn xã hội. Ở các trường THPT, việc dạy và học  môn ngữ văn không được đón nhận nồng nhiệt như các môn học khác. Riêng ở trường THPT Thạnh Tân, một ngôi trường thuộc xã nghèo, có đông người dân tộc sinh sống, học sinh đại bộ phận là con em nông dân nghèo khó, chất lượng đầu vào thấp (do được xét tuyển). Mặt khác học sinh thường chọn vào các môn tự nhiên, ít có điều kiện đọc sách báo, thông tin xã hội ít tiếp xúc… Vì vậy môn văn đối với các em như một cực hình, đa số các em học để đối phó với kiểm tra thi cử. Thậm chí có rất nhiều em không chịu học bài.

 2/ Thực trạng từ giáo viên:

        Học sinh học yếu không phải nguyên nhân từ học sinh không mà một phần  ảnh hưởng không nhỏ ở chính giáo viên, người truyền đạt kiến thức. Ngày nay, để thực hiện tốt công tác giảng dạy thì đòi hỏi người giáo viên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Thực tế còn một số giáo viên chưa nắm chắc những những yêu cầu kiến thức của từng bài dạy. Việc dạy học còn dàn trải, còn nâng cao kiến thức một cách tùy tiện. Một số thầy cô chưa thực sự chú ý đúng mức đến đối tượng học sinh yếu.

 3. Thực trạng từ học sinh:

      Học sinh là người lĩnh hội những tri thức thì nguyên nhân học sinh yếu kém có thể kể đến là do cá nhân học sinh trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân sau:

- Học sinh lười học: Hơn 10 năm trong nghề dạy học, tôi nhận thấy rằng đa số các học sinh yếu kém là những học sinh cá biệt, có hoàn cảnh khó khăn hay có biến cố trong cuộc sống (cha mẹ li hôn, li thân, mồ côi cha hoặc mẹ, cha mẹ đi làm xa…)vào lớp không chịu chú ý đến việc học, về nhà thì không xem bài, không chuẩn bị bài, cứ đến giờ học thì cặp sách đến trường, nhiều khi học sinh còn không biết ngày đó học môn gì, vào lớp thì không chép bài vì lí do là không có đem tập học của môn đó.

- Thời gian tự học không có: Với ngôi trường nằm cách xa trung tâm thành phố như Thạnh Tân, đa số  cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn vì vậy các em ngoài thời gian học ở trường về nhà các em phải phụ giúp thêm gia đình một số việc như chăn bò, đi ruộng, một số công việc khác nữa nên đã chiếm hết thời gian học ở nhà. Bên cạnh đó một số bậc phụ huynh cứ nghĩ học sinh đến trường, học những gì giáo viên giảng là đủ rồi mà còn chưa chú ý đến vấn đề tự học của học sinh.

- Học sinh bị hỏng kiến thức từ lớp nhỏ: Đây là một điều không thể phủ nhận, với chương trình học tập hiện nay, để có thể học tốt, đặc biệt là các môn như Toán, Văn, Anh văn… thì để việc học tập có kết quả thì đòi hỏi trước đó học sinh phải có vốn kiến thức nhất định.

II:  Các giải pháp giúp học sinh khắc phục học yếu kém môn văn:

2.1/ Giải pháp chung:

2.1.1/ Tạo môi trường học tập thân thiện giữa thầy và trò:

    Thầy và trò phải thân thiện với nhau thì những biện pháp mới đạt hiệu quả. Thông qua cử chỉ, lời nói, ánh mắt, nụ cười… giáo viên tạo sự gần gũi, cảm giác an toàn nơi học sinh. Chúng ta luôn tạo cho bầu không khí lớp học nhẹ nhàng, đừng để cho học sinh cảm thấy sợ giáo viên mà hãy làm cho học sinh thương yêu và tôn trọng mình. Thường xuyên quan tâm, trò chuyện với những học sinh có biểu hiện chay lười trong học tập, để động viên và khích lệ tinh thần cho các em.

2.1.2/ Phân loại đối tượng học sinh

- Dựa vào đặc điểm và năng lực cụ thể của từng em để lựa chọn biện pháp giúp đỡ phù hợp với đặc điểm chung và riêng. Một số khả năng thường hay gặp ở các em là: Khả năng tiếp thu bài chậm, lười học, thiếu tự tin, nhút nhát, do hoàn cảnh gia đình...

- Khi dạy, giáo viên cần cân nhắc các mục tiêu đề ra nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh yếu theo kịp bài và phát huy được năng lực của mình mặc dù không bằng các bạn còn lại trong lớp. Trong lúc giảng cũng khích lệ học sinh yếu kém bằng cách gọi trả lời những câu hỏi dễ và động viên bằng lời khen hoặc điểm số.

2.1.3/ Giáo dục ý thức học tập cho học sinh:

- Kết hợp với giáo viên chủ nhiệm giáo dục ý thức học tập của học sinh tạo cho các em sự hứng thú trong học tập, từ đó sẽ giúp cho học sinh có ý thức vươn lên. Trong mỗi tiết dạy giáo viên nên liên hệ nhiều kiến thức vào thực tế để học sinh thấy được ứng dụng và tầm quan trọng của môn học trong thực tiễn.

- Giáo viên phải tìm hiểu từng đối tượng học sinh về hoàn cảnh gia đình và nề nếp sinh hoạt, khuyên nhủ học sinh về thái độ học tập, tổ chức các trò chơi có lồng ghép việc giáo dục học sinh về ý thức học tập tốt và ý thức vươn lên trong học tập, làm cho học sinh thấy tầm quan trọng của việc học. Bản thân giáo viên cần phân tích để các bậc phụ huynh thể hiện sự quan tâm đúng mức. Nhận được sự quan tâm của gia đình, thầy cô sẽ tạo động lực cho các em ý chí phấn đấu vươn lên trong học tập.

2.1.4/ Kèm cặp học sinh yếu kém:

- Tổ chức mô hình học tập “đôi bạn cùng tiến” tức là phân công những em học sinh có năng lực khá giỏi kèm những học sinh có năng lực yếu kém dưới sự giám sát của giáo viên bộ môn. Đặt ra yêu cầu là học sinh yếu kém phải khiêm tốn hỏi những gì chưa hiểu từ bài giảng của thầy cô và ngược lại những em khá giỏi phải từ tốn chỉ và giải thích thêm cho bạn mình rõ (Tuyệt đối không được chê bai hay nỗi giận với bạn)

- Phối hợp với gia đình tạo điều kiện cho các em học tập, đôn đốc thực hiện kế hoạch học tập ở trường và ở nhà.

2.2. Giải pháp cụ thể:

2.2.1/ Khảo sát chất lượng đầu năm của học sinh để tìm đối tượng yếu, kém:

    Thông qua học bạ dưới lớp, thông qua bài khảo sát đầu năm, kiểm tra vấn đáp những kiến thức cơ bản, trọng tâm mà các em đã được học. Qua đó giúp tôi nắm bắt được những đối tượng học sinh yếu kém và những lỗ hổng  kiến thức của các em. Trên cơ sở đó tôi phân lớp thành nhiều nhóm gọi là nhóm tương đồng về kiến thức. Rồi tìm hiểu nguyên nhân và lập kế hoạch khắc phục.

2.2.2/ Điểm danh học sinh mỗi buổi học, ghi nhận và báo với giáo viên chủ nhiệm những trường hợp học sinh bỏ học phụ đạo để có biện pháp khắc phục.

- Điểm danh mỗi buổi  trong giờ học chính thức cũng như phụ đạo, học sinh có dấu hiệu nghỉ phải cùng với giáo viên chủ nhiệm động viên, khích lệ kịp thời. Xác nhận sự tiến bộ của các em. Kích thích sự say mê hứng thú học tập, đồng thời giúp học sinh tự tin là mình học được, mình có thể làm được như bạn.

2.2.3/ Trao đổi trực tiếp với phụ huynh học sinh:

     Đến nhà hoặc mời phụ huynh vào trường gặp trực tiếp, yêu cầu phụ huynh hợp tác, đưa ra hướng khắc phục vì mục tiêu, kế hoạch chung của lớp, của trường,… Qua đó giáo viên sẽ thông tin kịp thời đến phụ huynh về kết quả học tập của các em, giáo viên và phụ huynh phải có sự liên kết hai chiều nhằm có phương pháp tác động phù hợp đến khuyến khích các em tiến bộ. Thông qua phụ huynh sẽ quản lí tốt hơn về giờ giấc học tập của từng học sinh, giáo viên sẽ cung cấp lịch học chính khóa và phụ đạo giờ văn cụ thể với phụ huynh.

2.2.4/ Giới thiệu sách và chỉ học sinh phương pháp đọc sách:

- Hiện nay học sinh không có thói quen đọc sách, báo hay đọc các tác phẩm văn học để tích lũy kiến thức, vốn từ, phục vụ cho việc học môn văn. Có đọc thì các em cũng tìm đọc truyện tranh, truyện thiếu nhi hoặc những loại sách giải trí không liên quan giúp ích cho việc học, chính vì thế giáo viên giới thiệu cho các em những quyển sách hay, ý nghĩa, bổ ích phục vụ cho việc học tập của các em.

- Do học sinh lười đọc sách, tài liệu, xem thường  việc học thuộc thơ, nên khi làm văn thiếu dẫn chứng thơ, các chi tiết xoay quanh chủ đề của tác phẩm lại nhớ không chính xác, trình bày không chặt chẽ, ý mông lung, học văn nhưng học sinh không đọc tác phẩm, không nắm được cốt truyện, mà không nắm được cốt truyện, không nhớ tên nhân vật thì làm sao phân tích được.

- Giáo viên khuyến khích học sinh đọc sách bằng cách giới thiệu sách có liên quan trong giờ dạy, khi dạy một đoạn trích, giáo viên giới thiệu cho học sinh đọc tác phẩm, điều đó giúp cho học sinh hiểu rõ và thích đoạn trích hơn.

Quách Thanh

Tin liên quan

THAM LUẬN ĐẠO ĐỨC NHÀ GIÁO–THỰC TRẠNG ĐÁNG SUY NGẪM 29-10-2020
BÀI THAM LUẬN VỀ B.Ạ.O L.Ự.C HỌC ĐƯỜNG TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY-NGUYÊN NHÂN-HẬU QUẢ VÀ GIẢI PHÁP 24-09-2020
THAM LUẬN ĐỂ VIỆC ÔN TẬP THI TN THPT MÔN NGỮ VĂN PHẦN NLXH ĐẠT HIỆU QUẢ 29-10-2020
TIN TỨC - THÔNG BÁO
TIN ĐỌC NHIỀU
THỐNG KÊ TRUY CẬP
Hôm nay: 1065
Trong tuần: 14881
Trong tháng: 63281
Tất cả: 1448783
VIDEO
LIÊN KẾT WEBSITE
TRA CỨU